Thiết kế bao bì không chỉ là họa “bộ mặt” của sản phẩm mà còn thể hiện chất lượng sản phẩm và là cầu nối giữa thương hiệu và khách hàng. Minimalism hay Maximalism – hai phong cách thiết kế bao bì đối lập đang “làm mưa làm gió” trong ngành hiện nay. Vậy, đâu là lựa chọn hoàn hảo giúp thương hiệu của bạn truyền tải thông điệp và thu hút sự chú ý của khách hàng mục tiêu? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây cùng S’Pencil Agency nhé!
Nội dung
Toggle1. Khái niệm cơ bản
Lấy cảm hứng từ triết lý sống, phong cách sống Minimalism và Maximalism tạo ra hai phong cách thiết kế đối lập, thẩm mỹ khác biệt trong thiết kế bao bì để doanh nghiệp tạo ấn tượng với khách hàng, tác động đến quyết định mua sắm. Vậy chúng khác nhau như thế nào?
1.1. Minimalism trong thiết kế bao bì
Minimalism là phong cách thiết kế tập trung vào sự đơn giản, tinh tế và tối giản hóa mọi chi tiết. Đề cao việc loại bỏ những yếu tố không cần thiết, chỉ giữ lại những gì thực sự quan trọng, có giá trị để thông tin được cô đọng dễ “chạm”, dễ nhớ. Những yếu tố thực sự cần thiết luôn có trên bao bì Minimalism đó là tên sản phẩm, logo thương hiệu, thông tin ngắn gọn về sản phẩm và hình ảnh minh họa.
Minimalism trong thiết kế bao bì
Đặc điểm nổi bật của phong cách thiết kế tối giản:
- Màu sắc: Sử dụng các gam màu trung tính, đơn sắc như trắng, đen, xám, be.
- Hình dáng: Ưu tiên các hình dáng đơn giản, hình học, không có chi tiết rườm rà.
- Chất liệu: Sử dụng các vật liệu tự nhiên, thô mộc như giấy tái chế, gỗ, kim loại.
- Font chữ: Lựa chọn các font chữ đơn giản, dễ đọc.
- Bố cục: Sắp xếp thông tin một cách rõ ràng, mạch lạc, tạo nhiều khoảng trắng để người xem dễ dàng tiếp nhận thông tin.
Vì sao hiện nay có nhiều bao bì sản phẩm thiết kế Minimalism?
- Cảm giác sang trọng: Bao bì tối giản với đường nét tinh tế sẽ tạo “vẻ ngoài” cao cấp, sản phẩm chất lượng.
- Thu hút sự chú ý vào sản phẩm: Khi mọi chi tiết được tối giản, người xem sẽ tập trung hơn vào sản phẩm bên trong.
- Dễ dàng nhận diện thương hiệu: Logo và tên thương hiệu được làm nổi bật, giúp khách hàng dễ dàng nhận diện.
- Tiết kiệm chi phí: Sử dụng ít vật liệu và công đoạn in ấn hơn. Ví dụ như chất liệu làm nên bao bì mỹ phẩm bằng giấy tái chế, không có các chi tiết phức tạp, bao bì đơn sắc giúp doanh nghiệp tiết kiệm một khoản kinh phí khá lớn.
1.2. Maximalism trong thiết kế bao bì
Chủ nghĩa tối đa (Maximalism) trong thiết kế bao bì là một “bữa tiệc thị giác” đầy màu sắc – họa tiết – chi tiết, đậm chất sáng tạo, phá cách và màu mỡ, mang đến sự bùng nổ về mặt cảm xúc. Đây là một cách để thương hiệu thu hút sự chú ý và tạo dấu ấn mạnh mẽ với người tiêu dùng cho sản phẩm mới ra mắt.
Đặc điểm nổi bật của phong cách Maximalism khi thiết kế bao bì:
- Màu sắc bùng nổ: Maximalism “chơi đùa” với vô vàn sắc thái, từ những gam màu tươi tắn, rực rỡ đến những tông màu trầm ấm, quyến rũ. Sự kết hợp táo bạo này tạo nên một hiệu ứng thị giác mạnh mẽ, thu hút mọi ánh nhìn.
- Họa tiết đậm chất “nghệ”: Maximalism không chấp nhận sự đơn điệu. Họa tiết trên bao bì có thể là hoa văn cầu kỳ, hình học phức tạp, hoặc những hình ảnh trừu tượng đầy tính nghệ thuật.
- Chất liệu phong phú: Không chỉ dừng lại ở giấy, Maximalism cho thấy sự đa-zi-năng khi ứng dụng trên nhiều chất liệu như gỗ, kim loại, vải, da… Sự kết hợp đa dạng này tạo nên một trải nghiệm xúc giác độc đáo, khiến người tiêu dùng muốn chạm vào và cảm nhận.
- Thông điệp mạnh mẽ: Bao bì sản phẩm mang tinh thần Maximalism không chỉ là vỏ bọc, nó còn là một tuyên ngôn về cá tính và phong cách của thương hiệu, tạo sức cạnh tranh với vô vàn đối thủ.
- Sự kết hợp của nhiều phong cách: Phong cách này thường kết hợp nhiều yếu tố từ các phong cách khác nhau, từ cổ điển đến hiện đại, từ truyền thống đến cách tân. Sự pha trộn này giúp bao bì trở nên độc đáo và không lẫn vào đâu được.
Nếu như bạn đang đắn đo về việc sử dụng phong cách thiết kế Minimalism trong bao bì thì có thể cân nhắc những lợi ích dưới đây:
- Bao bì Maximalism dễ dàng nổi bật trên kệ hàng, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng ngay từ cái nhìn đầu tiên.
- Tạo ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc trong tâm trí người tiêu dùng, giúp họ ghi nhớ thương hiệu lâu hơn.
- Bao bì Maximalism là một cách tuyệt vời để thương hiệu thể hiện cá tính, phong cách, những giá trị mà thương hiệu theo đuổi hoặc kể những câu chuyện thú vị.
- Sự đa dạng và phức tạp của bao bì Maximalism kích thích sự tò mò và khám phá của người tiêu dùng, khiến họ muốn tìm hiểu thêm về sản phẩm.
2. So sánh giữa Minimalism và Maximalism
Từ những thông tin để bạn đưa ra quyết định lựa chọn phong cách thiết kế nào phù hợp có thể vẫn là bài toán khó và thách thức lớn được đặt ra. Bởi bao bì phản ánh rất nhiều thứ về một thương hiệu như bản sắc, phong cách, tệp khách hàng và quan trọng nhất là cảm nhận của khách hàng.
2.1. Tính thẩm mỹ
Nếu như bạn hỏi tôi phong cách thiết kế nào đẹp hơn? Câu trả lời của tôi là: Minimalism hay Maximalism là vẻ đẹp đối lập, không cái nào đẹp hơn cái nào mà là sự phù hợp với thương hiệu. Đây là “chất liệu gốc” để thương hiệu “chế biến”, dung hòa mọi yếu tố để sản phẩm nổi bật trên kệ trưng bày.
Như đã nói ở trên, vẻ đẹp “tinh giản” của phong cách thiết kế Minimalism dành cho thương hiệu hướng đến xây dựng hình ảnh hiện đại, sang trọng và tinh tế. Tập trung vào chất lượng sản phẩm hơn là hình thức bên ngoài. Gọi tên thương hiệu theo phong cách này nổi đình đám ở lĩnh vực công nghệ và mỹ phẩm chính là Apple và Aesop. Apple xây dựng thành công về hình tượng thương hiệu công nghệ đi đầu. Các sản phẩm sử dụng 2 tone màu chính là trắng bạc, dập nổi, bố cục sạch sẽ, gọn gàng gợi lên cảm giác đẳng cấp, khiến ai cũng muốn sở hữu. Aesop mang đến cảm giác ấm cúng, gần gũi với tone màu nâu cổ điển, nhãn dán đơn giản, thể hiện sự tự nhiên, tinh tế.
Logo Gucci
Trái lại, Maximalism mang đến nguồn năng lượng tươi mới, cá tính, phá cách và vô cùng nổi bật với những gam màu rực rỡ, họa tiết táo bạo, chi tiết bắt mắt hay kết cấu độc đáo. Điều này đặc biệt thu hút người trẻ nói riêng và những người yêu thích sự đổi mới nói chung. Nếu bạn muốn tham khảo các thương hiệu để học hỏi thì Gucci, Lush, Versace, Coca-Cola, Ben & Jerry’s, Pringles, The New Yorker, Kate Spade… là những ví dụ điển hình.
Cụ thể hơn, hộp khoai tây chiên Pringles cũng áp dụng phong cách Maximalism qua việc kết hợp màu sắc tươi sáng, hình ảnh biểu cảm và các yếu tố đồ họa đa dạng, tạo nên sự nổi bật trong các kệ hàng.
Các ấn bản đặc biệt của tạp chí The New Yorker có thể áp dụng phong cách Maximalism qua việc sử dụng các hình minh họa sinh động, màu sắc tươi sáng, kết hợp nhiều chi tiết hình ảnh, tạo nên một cảm giác thẩm mỹ đa dạng và đầy sáng tạo.
2.2. Tác động đến người tiêu dùng
Phong cách thiết kế bao bì Minimalism và Maximalism đều có những tác động mạnh mẽ đến người tiêu dùng, nhưng mỗi phong cách lại tạo ra những cảm giác và trải nghiệm khác nhau. Dưới đây là ví dụ cụ thể và tác động của từng phong cách đến người tiêu dùng:
Bao bì của các sản phẩm Apple thường theo phong cách tối giản, với thiết kế chủ yếu là nền trắng, sử dụng phông chữ đơn giản, hình ảnh sắc nét, và chỉ sử dụng các chi tiết cần thiết. Ví dụ, hộp đựng iPhone chỉ có logo Apple nhỏ gọn và một vài thông tin cơ bản. Và, khi mở hộp ra bên trong đã chia ra ngăn nắp điện thoại và phụ kiện đi kèm, tờ hướng dẫn sử dẫn. Iphone khiến chủ nhân cảm thấy đây là sản phẩm “đáng tiền” vì sự chỉn chu, ngăn nắp, thiết kế thời thượng không bị lỗi mốt và cảm giác thích thú khi được “bóc tem”. Sự “đơn giản nhưng mạnh mẽ” này đã in sâu trong tâm trí khách hàng đến mức các thương hiệu khác cũng phải học hỏi theo.
Song song với lối sống đơn giản, Maximalism – phong cách “cực đoan hóa” tạo cảm giác năng động và khơi dậy trí tò mò, bản năng khám phá từ khi người tiêu dùng nhìn thấy bao bì sản phẩm. Ví dụ cụ thể đó là bao bì kẹo Chupa Chups.
Những cây kẹo qua với họa tiết bắt mắt, màu sặc sỡ kết hợp với logo lớn đã thu hút và khiến hàng triệu trẻ em trên thế giới tò mò, yêu thích. Bao bì tạo cảm giác vui tươi, nổi bật trên kệ hàng nên nghiễm nhiên thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, đặc biệt là những đứa trẻ.
- Thúc đẩy sự khác biệt và độc đáo: Thiết kế Maximalism mang đến sự phá cách, khiến bao bì kẹo Chupa Chups không chỉ là bao bì kẹo mà còn là một phần của trải nghiệm mở ra thế giới kẹo ngọt và gắn liền với ký ức tuổi thơ.
- Tạo ra sự gần gũi: Sự kết hợp giữa màu sắc tươi sáng và họa tiết phức tạp có thể khiến người tiêu dùng cảm thấy thân thiện và dễ tiếp cận hơn. Không chỉ với những đứa trẻ mà cả với những người lớn khó tính.
- Cảm giác cá tính và phong cách: Bao bì Maximalism giúp kẹo mút Chupa Chups thể hiện được đúng tinh thần và phong cách riêng biệt, phù hợp với đối tượng mục tiêu với sự nổi bật tràn đầy năng lượng tích cực, nuôi dưỡng.
2.3. Chi phí và quy trình sản xuất
YẾU TỐ | MINIMALISM | MAXIMALISM |
Thiết kế | Tập trung vào lựa chọn chất liệu, màu sắc, bố cục. Có thể cần ít thời gian hơn nếu đã có sẵn ý tưởng hoặc mẫu thiết kế.
Thời gian: 3-5 ngày. |
Cần nhiều thời gian hơn để phác thảo ý tưởng, lựa chọn màu sắc, họa tiết, hình ảnh, và phối hợp chúng một cách hài hòa.
Thời gian: 7-10 ngày. |
Vật liệu | Thường thấp hơn do sử dụng ít màu sắc, họa tiết, hình ảnh hơn.
Thời gian: 5-7 ngày. |
Thường cao hơn do sử dụng nhiều màu sắc, họa tiết, hình ảnh hơn.
Thời gian: 7-10 ngày. |
In ấn | Thường thấp hơn do ít màu sắc và chi tiết phức tạp.
Thời gian: 2-3 ngày. |
Thường cao hơn do nhiều màu sắc và chi tiết phức tạp.
Thời gian: 3-5 ngày. |
Sản xuất | Thường thấp hơn do quy trình đơn giản.
Thời gian: 10 ngày. |
Thường cao hơn do quy trình phức tạp.
Thời gian: 15 ngày. |
Bảng so sánh trên chỉ mang tính chất tương đối nên sẽ khó có thể đưa ra con số về chi phí cụ thể cho từng hạng mục vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như:
- Phạm vi công việc triển khai;
- Mức độ phức tạp của thiết kế;
- Các yêu cầu kỹ thuật triển khai;
- Loại vật liệu được sử dụng;
- Kỹ thuật in ấn được sử dụng;
- Số lượng sản phẩm sản xuất;
- Nhà cung cấp bao bì;
- Thời gian thực hiện và bàn giao.
Trên thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, báo giá thiết kế bao bì sản phẩm giữa các đơn vị sẽ có sự chênh lệch khá lớn. Vì vậy, bạn cần xem xét kỹ về kinh nghiệm và chuyên môn của đơn vị hợp tác thông qua các dự án đã triển khai để đo lường khả năng đáp ứng yêu cầu cũng như hoàn thành phạm vi công việc đưa ra.
3. Khi nào nên chọn Minimalism?
Trong thế giới thiết kế bao bì sản phẩm đầy cạnh tranh, phong cách Minimalism nổi lên như một xu hướng mạnh mẽ, được nhiều thương hiệu ưa chuộng. Vậy, khi nào chính là thời điểm lý tưởng để bạn “tối giản” hóa thiết kế bao bì của mình?
- Phù hợp với hướng chuyển đổi về nhận diện thương hiệu, tệp khách hàng và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
- Hướng tới cách thể hiện hình ảnh “Đơn giản mà ấn tượng” và truyền tải thông điệp “Ít mà chất” để khách hàng mục tiêu dễ dàng ghi nhớ.
- Sản phẩm cao cấp, chất lượng là “ngôi sao” và bao bì “nói ít để khám phá, trải nghiệm nhiều hơn”.
- Hướng tới sự bền vững – Giảm thiểu tác động môi trường bằng cách sử dụng vật liệu tái chế, thân thiện, dễ phân huỷ.
Hãy nhớ rằng, Minimalism không có nghĩa là “nhàm chán”. Một thiết kế tối giản được thực hiện tốt vẫn có thể truyền tải đầy đủ thông điệp và thu hút sự chú ý của khách hàng. Điều quan trọng là bạn cần hiểu rõ giá trị cốt lõi của sản phẩm và thương hiệu, từ đó lựa chọn phong cách thiết kế phù hợp nhất.
Ngoài Apple, Aesop được phân tích đã làm bao bì sản phẩm thành công theo phong cách tối giản. Nếu bạn muốn tham khảo thêm sẽ có Muji – chuỗi cửa hàng bán lẻ về đồ dùng gia đình, nội thất và thời trang. Muji nổi tiếng với thiết kế bao bì tối giản, trang trí ít chi tiết, sử dụng màu sắc trung tính và các hình dạng đơn giản. Thiết kế này giúp tạo cảm giác ấm cúng, gần gũi nhưng cũng thanh thoát và tinh tế.
Apple là thương hiệu có phong cách thiết kế Minimalism vô cùng thành công
Như bạn thấy, có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đã và đang áp dụng phong cách Minimalism trong thiết kế bao bì sản phẩm. Mỗi thương hiệu lại có cách thể hiện và truyền tải thông điệp riêng, nhưng đều hướng đến sự đơn giản, tinh tế và tối giản.Vì vậy, sẽ không có sự hạn chế hay thước đo nào về một chủng loại sản phẩm nhất định phù hợp với phong cách tối giản. Hãy tự tin thỏa sức sáng tạo với sản phẩm của mình nhé!
4. Khi nào nên chọn Maximalism?
Trong thế giới bao bì sản phẩm, Minimalism và Maximalism đại diện cho hai thái cực hoàn toàn trái ngược. Nếu Minimalism là “ít mà chất”, thì Maximalism lại là “nhiều mà ấn tượng”. Vậy, khi nào thiết kế bao bì theo phong cách Maximalism mới thực sự phát huy hiệu quả?
- Sản phẩm cần sự nổi bật trên kệ trưng bày, thu hút sự chú ý ngay từ cái nhìn đầu tiên. Phong cách Maximalism giúp sản phẩm của bạn “lọt thỏm” giữa vô vàn đối thủ cạnh tranh.
- Bạn cần sử dụng hình ảnh, họa tiết để truyền tải thông điệp một cách mạnh mẽ, khơi gợi cảm xúc và tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng khách hàng.
- Sản phẩm mang tính thủ công, độc đáo hoặc có giá trị nghệ thuật cao, thiết kế bao bì Maximalism sẽ giúp tôn lên “tinh thần” này.
- Một số ngành hàng đặc thù như bánh kẹo, đồ chơi hoặc các sản phẩm quà tặng thường “ưu ái” phong cách Maximalism hơn.
Gucci – Ông lớn thời trang Ý này là bậc thầy trong việc “chơi đùa” với Maximalism. Bao bì của Gucci luôn khiến người ta trầm trồ bởi sự kết hợp táo bạo giữa màu sắc rực rỡ, họa tiết phức tạp và hình ảnh ấn tượng. Từ những chiếc hộp đựng nước hoa lộng lẫy đến những chiếc túi mua sắm sang trọng, Gucci đã biến bao bì trở thành một tác phẩm nghệ thuật, thể hiện đẳng cấp và cá tính của thương hiệu.
Thương hiệu thời trang Desigual của Tây Ban Nha nổi tiếng với phong cách “patchwork” độc đáo và đầy màu sắc. Bao bì sản phẩm cũng “bùng nổ” với những họa tiết trừu tượng, hình ảnh vui nhộn và thông điệp lạc quan. Desigual đã biến bao bì trở thành một ” tuyên ngôn” cá tính, thể hiện tinh thần tự do, phóng khoáng của thương hiệu.
5. Kết hợp giữa Minimalism và Maximalism
Việc kết hợp hai phong cách tưởng chừng như đối lập – Minimalism và Maximalism – trong thiết kế bao bì sản phẩm không chỉ là một ý tưởng táo bạo mà còn là một xu hướng đầy tiềm năng. Sự “giao thoa” độc đáo này có thể tạo ra những thiết kế bao bì ấn tượng, thu hút và mang đậm dấu ấn riêng.
Thương hiệu đang “bắt nhịp” xu hướng này được coi khá hiệu quả khi “hòa âm” hai phong cách này đó là:
Ting’s Jackfruit Chips:
- Minimalism: Thiết kế bao bì sử dụng màu sắc trung tính, đường nét gọn gàng và ít chi tiết để tạo cảm giác thanh lịch và tinh tế.
- Maximalism: Kết hợp các họa tiết táo bạo và màu sắc rực rỡ để tạo sự thu hút mạnh mẽ và độc đáo.
Việc kết hợp hai phong cách này giúp Ting’s Jackfruit Chips tạo ra một thiết kế bao bì độc đáo, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng mà vẫn giữ được sự tinh tế và thanh lịch.
Chameleon Cold-Brew:
- Sử dụng hình ảnh minh họa trừu tượng là chú tắc kè hoa, nhiều màu sắc (Maximalism) trên nền bao bì lon màu trắng tối giản (Minimalism).
- Nền trắng tối giản giúp cân bằng lại sự phức tạp của hình ảnh, tạo cảm giác hài hòa, dễ chịu.
- Logo thương hiệu được thiết kế đơn giản, dễ đọc.
Sự kết hợp này tạo nên một phong cách thiết kế hiện đại, trẻ trung và đầy cá tính giúp sản phẩm nổi bật trên kệ hàng, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
Nhìn chung, dù là phong cách thiết kế Minimalism hay Maximalism đều chứa đựng những tiềm năng lớn giúp doanh nghiệp thể hiện chất riêng và tạo viral. Tuy nhiên, việc áp dụng phong cách nào cần được thực hiện một cách cẩn thận và nghiên cứu chi tiết để đảm bảo hiệu quả truyền thông và thu hút đúng đối tượng mục tiêu góp phần tăng trưởng doanh thu. Nếu doanh nghiệp của bạn đang có nhu cầu thiết kế bao bì sản phẩm, hãy liên hệ ngay với S’Pencil Agency theo thông tin dưới đây để được giải đáp thắc mắc và tư vấn chi tiết phù hợp với yêu cầu.
Đọc thêm: Các xu hướng thiết kế mới nhất năm 2025 Designer không nên bỏ lỡ